Năm 2010, tỷ lệ người dân trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước sạch chỉ đạt gần 29%, tỷ lệ người dân có nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 84%. Sau 10 năm, với sự quan tâm đầu tư của nhà nước, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, sự nỗ lực của chính quyền, nhân dân và doanh nghiệp trong tỉnh, con số này đã tăng lên tương ứng là 53% và 98,3%.
Không còn những “vùng khát”
Xã Vạn Ninh (TP Móng Cái) được đầu tư xây dựng 4 bể nước theo chương trình nước sạch nông thôn từ năm 2000. Nhưng do không có bơm tăng áp, nên sau khi đưa vào bàn giao sử dụng, những bể này đều không phát huy được hiệu quả. Do đó, trong nhiều năm, Vạn Ninh vẫn là một trong những địa bàn thiếu nước sạch trầm trọng và người dân ở đây lại phải quay trở lại dùng nước giếng không hợp vệ sinh.
Những giếng khoan không thể dùng được vì nước có màu đỏ ối, người dân phải mua nước sạch từ xe téc với giá 150.000-200.000 đồng/m3. Trước những kiến nghị của các hộ dân, tháng 10/2019, công trình cấp nước liên xã Hải Xuân – Vạn Ninh đã được TP Móng Cái triển khai xây dựng với tổng kinh phí gần 26 tỷ đồng, trong đó từ NSNN là 90%, nhân dân đối ứng 10%. Đến nay, người dân xã Vạn Ninh đã chấm dứt cảnh khổ sở vì thiếu nước sinh hoạt.
Hay như tại thôn Cống To (xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên), là một thôn nghèo, giai đoạn trước năm 2016 người dân cũng gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống vì thiếu nước sinh hoạt. Cả thôn có 102 hộ dân, nhưng chỉ có 3 giếng nước có thể dùng được, những giếng còn lại nước đỏ như gạch cua. Thời điểm chưa có nước sạch về thôn, do kinh tế khó khăn, nên người dân vẫn phải gánh nước giếng về ăn, còn giặt giũ quần áo thì mang ra sông, hồ gần nhà. Năm 2016, Ban Dân tộc tỉnh đã đề xuất với tỉnh và huyện, đưa nước từ Nhà máy nước thị trấn Tiên Yên về thôn Cống To. Nhờ được đầu tư hệ thống đường ống cấp nước sinh hoạt, đến nay 100% hộ dân trong thôn đều được sử dụng nước sạch, không phải phụ thuộc vào thiên như trước đây.
Trên đây chỉ 2 trong số nhiều công trình nước sinh hoạt được tỉnh và các địa phương quan tâm đầu tư. Đến nay, toàn tỉnh có gần 100 công trình nước sinh hoạt tập trung được đầu tư xây dựng mới từ nguồn vốn hỗ trợ của Đề án 755 (chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn), Đề án 196 (đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn); trên 5.200 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn được hỗ trợ các công trình nước sinh hoạt nhỏ lẻ.
Cùng với sự quan tâm dành riêng cho các hộ dân thôn, bản đặc biệt khó khăn, những năm qua, tỉnh đã hỗ trợ nhân dân 10% kinh phí đóng góp để thực hiện chương trình Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (PforR) theo Hiệp định tài trợ giữa Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng thế giới. Kết thúc năm 2019 (năm cuối cùng thực hiện chương trình), toàn tỉnh đã hoàn thành đưa vào sử dụng 10 công trình cấp nước tập trung, tổng công suất cấp nước thiết kế 15.390m3/ngày đêm, cấp nước sạch đạt quy chuẩn cho trên 90.000 người dân nông thôn. Nâng tổng số công trình cấp nước nông thôn tập trung trong toàn tỉnh lên 196 công trình, cơ bản hoạt động hiệu quả, phục vụ tốt cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của nhân dân.
Bên cạnh sự quan tâm của tỉnh, thời gian qua, Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh cũng đầu tư hàng trăm tỷ đồng để đưa nước sạch đến các khu dân cư, góp phần “xóa trắng” những địa bàn thiếu nước sạch như: xã Liên Vị (TX Quảng Yên); phường Vàng Danh, phường Bắc Sơn, xã Thượng Yên Công (TP Uông Bí); xã Cẩm Hải, xã Cộng Hòa (TP Cẩm Phả); xã Đoàn Kết (huyện Vân Đồn); xã Thống Nhất, xã Vũ Oai, xã Hòa Bình, xã Lê Lợi (TP Hạ Long); phường Yên Thọ, phường Hưng Đạo, xã Việt Dân, xã Bình Khê (TX Đông Triều)…
Ngay trong những ngày giáp Tết Nguyên đán 2021, hàng chục công nhân của Xí nghiệp nước Móng Cái cũng đang tập trung thi công 2 ca/ngày để đảm bảo gần 300 hộ dân của thôn 3, xã Vĩnh Thực, TP Móng Cái, được sử dụng nước sạch. Dự án đầu tư hệ thống nước sạch trên đảo Vĩnh Thực được khởi công giữa tháng 11/2020 với kinh phí trên 3,1 tỷ đồng, bao gồm 9km đường ống truyền tải và ống phân phối. Tính đến hết tháng 12/2020, công trình đã hoàn thiện xong khối lượng thi công, Xí nghiệp nước Móng Cái đang tiến hành đấu nối và ký hợp đồng cấp nước cho các hộ dân.
Ông Vương Văn Phổ (thôn 3, xã Vĩnh Thực) phấn khởi cho biết: Sinh sống ở đảo Vĩnh Thực ở từ năm 2003, để có nguồn nước sử dụng, gia đình đã khoan giếng sâu tới 20m nhưng nước bị nhiễm phèn mặn. Mặc dù lọc nước qua 1 thùng cát biển, nhưng sau một đêm, nước vẫn có màu vàng quạch và nổi váng dầu, thế nên những chậu nhôm trắng nhà tôi giờ biến thành “chậu đồng” hết cả. Gần 20 năm mong đợi, giờ chúng tôi thật sự rất vui vì Tết Nguyên đán này có nước sạch để dùng.
Vẫn nhiều thách thức
Đối với một tỉnh có điều kiện tự nhiên phức tạp, đồng bằng xen lẫn đồi núi, một số khu vực ven biển bãi triều, chưa kể điều kiện dân sinh, kinh tế của người dân giữa các vùng không đồng đều, dân cư sinh sống phân tán, nên việc phát triển mạng lưới và các công trình cấp nước gặp không ít trở ngại. Tuy nhiên, xác định nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nước sạch là một trong 5 mục tiêu chính trong phát triển KT-XH của địa phương, nên những năm qua, tỉnh đã dành nguồn lực lớn để thực hiện mục tiêu này. Chính sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, sự vào cuộc của địa phương, doanh nghiệp, chỉ sau 10 năm, chỉ tiêu về sử sụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đã tăng lên một cách nhanh chóng, đưa tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh của dân cư nông thôn đạt trên 99%. Trở thành một trong những địa phương dẫn đầu toàn quốc về chỉ tiêu này.
Dù thực hiện khá hiệu quả chương trình nước sạch, nhưng theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh sau khi đầu tư, xã hội hóa vẫn còn thấp. Trong 10 công trình được thực hiện từ chương trình PforR đã đưa vào hoạt động, chỉ có 5 công trình được đánh giá đảm bảo hoạt động bền vững. Thực tế là ở những công trình còn lại, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch chỉ đạt 30-40% và phần lớn hộ dân đã lắp đặt đồng hồ rồi lại không sử dụng, gây lãng phí, mức sử dụng nước bình quân của các hộ rất thấp, dưới 5m3/hộ/tháng. Nguyên nhân là do người dân vẫn có thói quen sử dụng các nguồn nước tự nhiên (nước suối, nước giếng) và chỉ sử dụng nước máy trong nhưng giai đoạn nguồn nước tự nhiên bị suy giảm, dẫn đến hiệu quả đầu tư các dự án này chưa cao. Thực trạng đáng buồn này cũng đang gây khó khăn trong việc kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư kinh doanh nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Điển hình như hệ thống cấp nước xã Cộng Hòa (TP Cẩm Phả) do Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh đầu tư. Ông Vũ Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT của Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh, chia sẻ: Đáp ứng nhu cầu sử dụng nước theo kiến nghị cử tri, công ty đã dành 23,2 tỷ đồng để xây dựng Nhà máy nước Cộng Hòa với công suất 2.000m3/ngày, đêm. Mặc dù, công trình được khẩn trương triển khai thi công và đưa vào vận hành sử dụng từ cuối năm 2019, nhưng đến giữa tháng 12/2020, Nhà máy nước Cộng Hòa chỉ có 61 hộ dân và 1 cơ quan (Trụ sở UBND xã) đấu nối sử dụng nước sạch và sản lượng lại rất thấp. Đầu tư hàng chục tỷ đồng, nhưng doanh thu hằng tháng chỉ đạt trên 1 triệu đồng. Trong khi đó, tiền lương người lao động, chi phí thiết bị, vật tư vận hành nhà máy, tháng nào cũng hết khoảng 20 triệu đồng. Lúc chưa có nhà máy thì người dân liên tục kiến nghị các ngành, các cấp phải cung cấp nước sạch. Giờ có nhà máy rồi thì rất ít hộ dùng. Ngay cả trụ sở UBND xã Cộng Hoà, sau nhiều lần làm việc, mãi đến tháng 5/2020, UBND xã mới đăng ký dùng nước máy.
Không chỉ ở Cộng Hòa, tại nhiều địa phương khác trong tỉnh, Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh cũng liên tục đối mặt với tình trạng này. Trong khi suất đầu tư trung bình ở khu vực nông thôn hiện lên tới gần 12 triệu đồng/khách hàng (gấp 3-4 lần suất đầu tư ở khu vực đô thị), nhưng mức sử dụng bình quân chỉ đạt 5m3/tháng. Theo ông Tuấn, hiện tại công ty đang nỗ lực bố trí nhân lực vận động khách hàng tại nhà theo hướng “đi từng ngõ, gõ từng nhà” và tổ chức tiếp xúc khách hàng định kỳ 1 tháng/lần để tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi thói quen sử dụng nước. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư của đơn vị.
Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, Quảng Ninh đặt mục tiêu đưa tỷ lệ sử dụng nước sạch của dân cư thành thị đạt 98%, tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh của dân cư nông thôn đạt trên 99% và nâng cao tỷ lệ sử dụng nước sạch của dân cư nông thôn. Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi tỉnh cần thiết phải có những giải pháp quyết liệt hơn nữa. Trong đó, cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có những giải pháp kỹ thuật phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, tập quán sinh hoạt của người dân để tăng tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch; có cơ chế hỗ trợ với doanh nghiệp theo phương thức nhà nước và doanh nghiệp cùng làm. Quan trọng hơn cả là chính các địa phương phải đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của chính quyền cơ sở và nhân dân về lợi ích trong việc sử dụng nước sạch đối với sức khỏe cộng đồng, phòng chống bệnh truyền nhiễm và chất lượng cuộc sống; nhận thức đầy đủ chủ trương và cơ chế, chính sách của Nhà nước, của tỉnh trong việc đầu tư xây dựng, cung cấp nước sạch và tiêu thụ nước sạch. Song song với đó, công tác quản lý, vận hành công trình cấp nước sạch ở nông thôn theo chương trình PforR sau đầu tư cần được chú trọng để nguồn nước đầu ra luôn đảm bảo tiêu chuẩn và tạo niềm tin để người dân yên tâm sử dụng, qua đó nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Thảo luận về post